BẤT ĐỘNG SẢN: XUẤT HIỆN NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ MỚI
Bất động sản
bất ngờ trở thành hướng kinh doanh chiến lược của nhiều doanh nghiệp nổi danh
trong lĩnh vực xi măng, thép, cầu đường, nông nghiệp.
Gần đây, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn
ThaiGroup đã đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khi chi hàng nghìn tỷ đồng mua
nhiều khu đất vàng ở Hà Nội. Mặc dù ông là doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực
sản xuất xi măng, vận tải, bảo hiểm, chứng khoán...
Gần đây nhất là việc mua lại khách sạn Kim Liên với diện
tích khoảng 3,5ha. Đại gia này cũng mới ký biên bản hợp tác với Tập đoàn khách
sạn Hyatt đầu tư dự án khách sạn 5 sao với giá trị đầu tư 165 triệu USD tại một
địa điểm tại trung tâm Thủ đô.
ThaiGroup cũng đầu tư khu nghỉ dưỡng hạng xa xỉ Enclave
diện tích 350ha tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Trước đó, doanh nghiệp này từng tham gia đầu tư một số dự
án bất động sản có quy mô nhỏ, chủ yếu ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hà
Nam...
Chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng nhưng
công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) - doanh nghiệp cũng công bố chi
hơn 400 tỷ đồng vào đầu năm nay để được Cao Su Sao Vàng lựa chọn là đối tác đầu
tư cho dự án trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)… Khu đất dự kiến được đơn vị này
triển khai khu hỗn hợp, bao gồm trung tâm thương mại – dịch vụ, văn phòng – căn
hộ cao cấp để bán và cho thuê.
Không nằm ngoài xu hướng này, các đại gia phía Nam cũng
tham gia vào thị trường bất động sản. Với việc thành lập một công ty con chuyên
đầu tư bất động sản với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp lớn trong lĩnh
vực cầu đường là Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) cũng đã
lấn sân sang lĩnh vực địa ốc. Đơn vị này cũng cho biết sẽ đầu tư vào 3 dự án
lớn tại TP HCM.
Đức Long Gia Lai, một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông
nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử tại Đại hội cổ đông thường niên
diễn ra cách đây 3 tháng cũng công bố chính thức bổ sung bất động sản vào chiến
lược tái cấu trúc.
Công ty dự định trong năm nay khởi công xây dựng 3 dự án
tại quận 7, quận 8 và quận Bình Tân với trên 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư
khoảng 4.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco Group) tuy đã có
những bước đi từ khá sớm từ vài năm trước, song cũng được coi là một trong
những gương mặt mới mẻ trong lĩnh vực bất động sản.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trường Hải, ông Trần Bá Dương -
vốn là một trong những đại gia nổi danh với ngành công nghiệp ôtô. Cách đây vài
năm, đơn vị này quyết định rót hàng nghìn tỷ để đầu tư vào Khu đô thị Sala (Thủ
Thiêm, TP HCM) thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Đại Quang Minh. Hiện
Đại Quang Minh đã trở thành nhà phát triển bất động sản dẫn đầu tại Thủ Thiêm
với hàng loạt dự án nghìn tỷ.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng tham gia
vào lĩnh vực bất động sản cách đây vài năm, song thời điểm thị trường khủng
hoảng, ông tuyên bố rút lui khỏi thị trường để tập trung cho ngành thép. Tuy
nhiên gần đây, tập đoàn này vừa khởi công dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành
phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động
sản. Bên cạnh dự án khách sạn, tại Yên Bái, Hoa Sen còn tham vọng đầu tư một
khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở
đầm Vân Hội.
Một loạt dự án, khách sạn nghỉ dưỡng lớn khác tại
Bình Định như Khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh Suối nước nóng Hội Vân, Trung
tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại thành phố Quy Nhơn cũng
nằm trong dự định của đại gia ngành thép.
Từng có kinh nghiệm đầu tư vào bất động sản, nhưng lúc đó
chưa phù hợp, ông Lê Phước Vũ chia sẻ “Bất động sản, du lịch là lĩnh vực mới,
nhưng hoàn toàn tiềm năng và đặc biệt là nằm trong khả năng đầu tư của chúng
tôi", ông Vũ khẳng định.
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress)