ĐỊA ỐC 2017: NẮM GIỮ QUỸ ĐẤT, NẮM GIỮ CƠ HỘI
Bức tranh thị trường địa ốc
năm 2017 ra sao còn đang ở phía trước, song trong mắt giới đầu tư, đây
vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Những con số về kết quả kinh doanh 2016
ấn tượng của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đang trở thành cơ sở cho nhận
định này.
Cổ phiếu địa ốc trong tầm ngắm
Mặc dù thị trường địa ốc lặng sóng
trong những tuần đầu năm mới, nhưng sức hút lớn của thị trường này đang
được giới đầu tư kỳ vọng qua thị trường chứng khoán. Liên tục từ đầu năm
2017 đến nay, nhóm cổ phiếu địa ốc, xây dựng đã trở thành điểm
ngắm của thị trường với mức tăng khá mạnh. Sự bứt phá của các cổ phiếu
này một phần do nhiều doanh nghiệp địa ốc công bố kết quả kinh doanh năm
2016 khá tốt, đồng thời nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, thị trường địa ốc năm
2017 sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Trong bối cảnh “đất chật, người
đông”, quỹ đất để phát triển các dự án ngày càng thu hẹp, do vậy, doanh
nghiệp nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất sẽ càng có nhiều cơ hội để
phát triển.
Sau khi lên sàn vào cuối năm 2016, giá cổ
phiếu NVL của Tập đoàn Novaland dao động ổn định quanh ngưỡng 60.000
đồng/cổ phiếu (mức giá chào sàn). Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán,
nhất là trong 2 tuần qua, cổ phiếu NVL đã tăng trưởng khá mạnh, từ mức
giá 58.800 đồng/cổ phiếu ngày 10/2, đã tăng lên mức giá 65.900 đồng/cổ
phiếu trong phiên 23/2, tương đương tăng hơn 12%, trước khi điều chỉnh
nhẹ theo thị trường trong phiên cuối tuần qua, đứng ở mức 65.300 đồng/cổ
phiếu.
Theo phân tích của giới chuyên môn,
nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do mới đây, Novaland đã công bố
kết quả kinh doanh năm 2016 với những con số ấn tượng. Cụ thể, trong năm
2016, lãi ròng cả năm của Công ty đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần
so với năm 2015 và trở thành một trong những doanh nghiệp địa ốc
niêm yết có lợi nhuận lớn nhất trong năm 2016.
Tương tự, cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất
Xanh cũng tăng giá mạnh kể từ trong thời gian qua. Mở cửa phiên đầu năm
2017 ở quanh mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu, đến cuối tuần qua, cổ phiếu
DXG đã lên mức 17.050 đồng/cổ phiếu, tăng 36,4% kể từ đầu năm tới nay.
Sự bứt phá của cổ phiếu DXG cũng liên
quan đến kết quả kinh doanh khả quan. Theo báo cáo tài chính quý
IV/2016, trong quý này, DXG đạt 1.186 tỷ đồng doanh thu, tăng đột biên
144% so với cùng kỳ, kéo theo đó lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng,
tăng 325%. Lũy kế cả năm năm 2016, DXG đạt 2.507 tỷ đồng doanh thu và
lợi nhuận sau thuế tăng gần 50%, lên 664 tỷ đồng. Với kết quả này, công
ty vượt 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp khác có cổ phiếu tăng
mạnh gần đây là Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) với mức giá 9.600
đồng/cổ phiếu (ngày 2/2), đã tăng lên mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu khi
chốt phiên cuối tuần qua, tương đương tăng 35,4%.
Một trong những lý do chính giúp cổ phiếu
TDH tăng mạnh là năm 2016, Công ty đã đạt kết quả kinh doanh rất khả
quan. Cụ thể, doanh thu thuần cả năm đạt trên 1.060 tỷ đồng, tăng 20% so
với năm 2015, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu liên tục từ năm 2012
đến nay. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã tiết giảm tối đa chi phí tài
chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nên năm 2016,
lợi nhuận sau thuế đạt 105,4 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với năm 2015
và vượt 31% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Với kết quả đạt được, HĐQT Nhà Thủ Đức sẽ
tạm ứng 10% cổ tức cho cổ đông tương ứng mức chi xấp xỉ 71 tỷ đồng.
Thời gian chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/3 tới đây.
Sức hút cổ phiếu địa ốc không chỉ
diễn ra ở các doanh nghiệp kể trên, mà đang diễn ra với phần lớn doanh
nghiệp khác trong ngành như NBB, VPH, FLC, HQC... Theo phân tích của các
chuyên gia, thị trường địa ốc được dự báo tiếp tục sôi động trong
năm nay là nguyên nhân dòng tiền tìm tới nhóm cổ phiếu này.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán
BSC, do đặc thù ghi nhận doanh thu có độ trễ đối với các doanh nghiệp
địa ốc, nên nhiều doanh nghiệp
Địa ốc mặc dù có tốc độ bán hàng
tốt, nhưng chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2016. Do vậy, kết
quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng
mạnh trong năm 2017 - 2018 khi tiến hành bàn giao nhà.
Cũng theo BSC, nguy cơ bong bóng thị trường địa ốc sẽ chưa xảy ra trong năm 2017, thậm chí cả trong năm 2018, nên tiềm
năng phát triển của các doanh nghiệp địa ốc vẫn còn khá lớn.
Nắm quỹ đất lớn sẽ năm giữ cơ hội lớn
Theo phân tích của giới chuyên môn,
TP.HCM với dân số khoảng 13 triệu dân, về cơ bản thị trường sẽ còn nhiều
tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh “đất chật, người
đông”, quỹ đất để phát triển các dự án ngày càng thu hẹp, do vậy, doanh
nghiệp nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất sẽ càng có nhiều cơ hội để
phát triển.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động
sản, mặc dù thị trường còn dư địa phát triển lớn, nhưng quỹ đất hiện nay
chủ yếu tập trung trong tay các các “đại gia” tên tuổi như Vingroup,
Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Phú Long Long, Khang Điền, Thủ Đức
House… Trong số các đại gia sở hữu quỹ đất lớn hiện nay, đứng đầu có thể
kể đến Vingroup với khoảng hơn 8.000 ha trải khắp cả nước và đều có vị
trí đẹp để phát triển dự án trong 10 năm tới.
Tại thị trường TP.HCM, doanh nghiệp đang
được chú ý nắm giữ quỹ đất lớn là Tập đoàn Novaland. Theo ông Phan Thành
Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, đến thời điểm hiện nay, Công ty
đã sở hữu hơn 40 dự án địa ốc với quỹ đất lên đến hàng trăm
héc-ta, đủ để phát triển liên tục trong 5 - 7 năm tới. Điều đáng chú ý,
trong giai đoạn trước đây, Novaland chủ yếu tập trung phát triển các dự
án căn hộ với quy mô diện tích nhỏ lẻ, thì hiện nay, tập đoàn này đang
hướng đến việc phát triển các khu đô thị với quy mô diện tích mỗi khu
lên đến hàng chục héc-ta.
Một đại gia khác cũng đang sở hữu quỹ đất
lớn là Tập đoàn Đất Xanh. Thời gian qua, Đất Xanh đã âm thầm thực hiện
hàng loạt thương vụ thâu tóm dự án địa ốc. Theo ông Lương Trí
Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, riêng quỹ đất dành để phát triển các
dự án căn hộ, hiện Công ty đã sở hữu khoảng 80 ha, còn nếu tính luôn quỹ
đất để phát triển các dự án khu đô thị, Công ty đang nắm giữ lên đến
hàng trăm héc-ta.
Nói đến việc nắm giữ quỹ đất sạch, không
thể không nói đến Công ty Him Lam Land. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, doanh
nghiệp này đang nắm giữ quỹ đất rất lớn. Trong đó, dự án đáng chú ý
nhất của Him Lam Land hiện nay là khu đô thị thị tại quận 2, TP.HCM. Khu
đất có vị trí khá địa này đang được Him Lam Land lên kế hoạch triển
khai trong năm 2017 với giai đoạn đầu sẽ công bố thị trường 1.000 sản
phẩm nhà phố có mức giá từ 5 tỷ đồng/sản phẩm.
Tương tự, một số doanh nghiệp được ghi
nhận đang nắm giữ quỹ đất lớn nữa là Tập đoàn Hưng Thịnh, Đại Quang
Minh, Khang Điền, Thủ Đức House, Phú Long… Theo phân tích của các chuyên
gia, đây sẽ là những doanh nghiệp thực sự làm chủ cuộc chơi trên thị
trường trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu Tư Bất Động Sản