Ngày 24/04/2016 - Hiệp hội Mắc Ca
Việt Nam đã tổ chức đại hội lần đầu tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tham dự
đại hội có Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Việt Nam, Lãnh đạo các Tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc
cùng các thành viên trong Ban vận động thành lập Hiệp Hội Mắc ca Việt
Nam.
Đại hội quy tụ đại diện ngành công nghiệp mắc ca Việt Nam.
Phát biểu khai mạc đại hội, Bí thư Tỉnh Lâm Đồng, Ông Nguyễn Xuân
Tiến đã bày tỏ sự vui mừng với sự ra đời của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và
đánh giá cao sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty Cổ
phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong công tác phối hợp, hỗ
trợ Tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu trồng mắc ca của người
dân, phối hợp xây dựng quy hoạch vùng...
Rất nhiều chủ trại mắc ca từ Tây Bắc và Tây Nguyên đến tham gia Đại hội.
Ngay sau phát biểu khai mạc, quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ
về việc cho phép thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã được công bố. Đây
sẽ là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho các
doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân sản xuất, chế biến, kinh
doanh, dịch vụ cung ứng xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào
tạo vì sự phát triển của ngành mắc ca Việt Nam.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT
Công ty Cổ phần Him Lam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Trưởng Ban Vận
động thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.
Tiếp theo chương trình đại hội, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp
hội, Ông Dương Công Minh đã thay mặt Ban vận động phát biểu: “Trong hơn 1
năm qua, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu
điện Liên Việt, nhiều doanh nghiệp và cá nhân khác trong lĩnh vực thương
mại, đầu tư và phát triển mắc ca, cùng các nhà khoa học hàng đầu trong
lĩnh vực mắc ca, đại diện các hộ nông dân, doanh nghiệp trồng mắc ca đã
cùng nhau chuẩn bị về nhân sự, thủ tục, thể chế và cơ sở vật chất để
hình thành Ban Vận động thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Nhờ vậy,
ngày hôm nay, chúng ta cùng có mặt tại đây tham gia Đại hội đầu tiên của
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và xác lập những bước đi tiếp theo để phát
triển ngành công nghiệp Mắc ca Việt Nam. Với sự đoàn kết, đồng lòng của
các hội viên, sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, tôi tin tưởng rằng ngành công nghiệp mắc ca sẽ tiến thêm những
bước dài vững chắc trong thời gian tới đây”.
TS. Nguyễn Đức Hưởng.
Cũng tại đại hội, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân
hàng Bưu điện Liên Việt đã đưa ra mục tiêu cũng như chương trình hành
động của Hiệp hội. Theo đó, mục tiêu xuyên suốt của Hiệp hội Mắc ca Việt
Nam là góp phần cùng đất nước xây dựng ngành công nghiệp mắc ca hiện
đại; khai thác chuỗi giá trị lớn, khép kín; thu hút nguồn vốn, nhân lực,
tạo ra những sản phẩm tinh chế, phong phú từ mắc ca có giá trị tiêu
dùng và xuất khẩu cao; trên cơ sở mở rộng diện tích trồng hợp lý, mở
rộng thị trường tiêu thụ bền vững; thu hút du lịch sinh thái; góp phần
vào chương trình tái cơ cấu cây trồng ở hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc;
phát huy giá trị kinh tế – xã hội – môi trường từ cây mắc ca; ứng phó
với sự cạn kiệt của tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; gắn sự phát
triển của các doanh nghiệp trồng, kinh doanh mắc ca với xã hội và nông
dân, giúp nông dân vượt khó, làm giàu.
Để đạt được những mục tiêu đó, Hiệp Hội đề ra nhiều chương trình hành
động cụ thể như: Hiệp hội sẽ làm vai trò cầu nối, gắn kết chuỗi liên
kết từ: trồng – chế biến – thương mại – tiêu dùng, tránh tình trạng cạnh
tranh không lành mạnh và làm thiệt hại cho người trồng mắc ca; Đề xuất,
vận động và phản biện các chính sách liên quan,công tác Hiệp hội và hội
viên: Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của thành viên Hiệp hội; Xây dựng chi
hội ở các địa phương, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các
Hiệp hội nông nghiệp khác như cao su, chè, cà phê, điều; tuyên truyền để
mọi người dân hiểu đúng về giá trị kinh tế - môi trường – xã hội của
cây mắc ca...
Ông Martin Novak.
Thay mặt Hiệp hội Mắc ca Úc, Ông Martin Novak cho rằng, Việt Nam hoàn
toàn có thể trở thành quốc gia có vai trò đóng góp quan trọng đối với
ngành công nghiệp mắc ca thế giới bởi những lợi thế về khí hậu và thổ
nhưỡng mà hiếm nơi có. Ông cũng tin tưởng về tương lai của ngành công
nghiệp mắc ca do thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Đối với các vị trí quan trọng trong Hiệp hội, đại hội đã bầu được Ban
Chấp hành, Ban Kiểm tra và các chức danh quan trọng khác, cụ thể như
sau:
1. Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần
Him Lam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Chủ tịch Hiệp
hội
2. Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội
3. Ông Y Dhăm Ênuôl – Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hiệp hội
4. Ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đắk Nông, Phó Chủ tịch Hiệp hội
5. Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch Hiệp hội
6. Ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch Hiệp hội
7. Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội
8. Giáo sư Hoàng Hòe – nguyên Chủ tịch Hội Lâm nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội
9. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam/Thường vụ Hội nông dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội
10. Ông Huỳnh Văn Trí – Chủ tịch HĐQT Công ty My Anh Khe Sanh, Ủy viên
11. Ông Bùi Văn Định – Chủ tịch HĐQT Công ty Macadamia Điện Biên, Ủy viên
12. Ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Ủy viên
13. Ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Việt, Ủy viên Kiêm Tổng thư ký hiệp hội
Ban Chấp hành Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ra mắt.
Trước mắt 5 năm tới, hoạt động của Hiệp hội là bám chặt chủ trương
của Nhà nước và thực tiễn các địa phương hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc
về phát triển trồng mắc ca trên cơ sở tôn trọng quy hoạch bài bản và tín
hiệu thị trường với chiến lược lâu dài. Trong giai đoạn 5 năm đầu (2016
– 2020) chủ yếu trồng xen mắc ca với cà phê để cứu cà phê, đồng thời
phát triển mắc ca vì mắc ca chịu hạn tốt, tạo bóng mát, giữ độ ẩm và bộ
rễ mắc ca làm tơi xốp đất./.