LUẬT QUY HOẠCH CÒN NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Hiện nay, do thực trạng công tác quy
hoạch bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới
công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, vì vậy việc ban hành Luật Quy hoạch là
hết sức cần thiết.
Thế nhưng, theo như dự thảo Luật
Quy hoạch cho thấy đây là một dự luật sẽ tác động đến một loạt các luật, pháp
lệnh hiện hành, do đó xung quanh dự luật này còn có khá nhiều ý kiến băn khoăn,
trái chiều.
Lãng
phí, mâu thuẫn, chồng chéo
Một trong những công cụ hữu hiệu
để giúp các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những
nhiệm vụ chính trị, cụ thể hoá các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội trong từng thời kỳ để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an
ninh và môi trường là quy hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá, sau 30 năm đổi mới,
nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều
lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc
lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã
hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới
môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của
các tổ chức, DN, người dân.
Thời gian qua quy hoạch được lập
quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử
dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực
của đất nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay. Cụ thể, thời kỳ 2001-2010
Việt Nam mới chỉ lập 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011-2020 đã lập
12.860/19.285 quy hoạch. Quy hoạch xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,
đến nay đã có 3 lần điều chỉnh. Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên
phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch là khoảng 385-390
tỷ USD, nhưng thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210-215 tỷ USD (khoảng
50%). Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển cây cao su dự báo đến năm 2020
diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, nhưng đến nay đã vượt quy hoạch trên
155.700 ha. Quy hoạch cà phê, hồ tiêu cũng trong tình trạng tương tự khi đến
nay diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đã vượt quy hoạch 114.000 ha, diện
tích trồng hồ tiêu cả nước đến năm 2020 là 50.000 ha nhưng đến năm 2015 đã vượt
35.000 ha. Chưa kể, các quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều
chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hàng ngàn bản quy hoạch của chúng ta được ban hành
ở nhiều thời điểm khác nhau, hiện được quy định rải rác tại 95 luật, pháp lệnh,
trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản
phẩm được quy định tại 73 luật, pháp lệnh, điều này cho thấy công tác quy hoạch
đã bộc lộ nhiều bất cập, vừa thừa, vừa thiếu, chất lượng thấp, chồng chéo, mâu thuẫn,
câu chuyện xin - cho tồn tại ở hầu hết các quy hoạch sản phẩm. Nếu vẫn giữ
nguyên trạng thế này đất nước sẽ khó phát triển vì thế Chính phủ nhiệm kỳ trước
và nhiệm kỳ này đều nhất trí cao việc bỏ các quy hoạch lãng phí này.
Từ trên cho thấy, việc ban hành Luật
Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém
nêu trên. Theo dự thảo, Luật Quy hoạch gồm 8 chương, 69 điều được soạn thảo
theo hướng sẽ điều chỉnh chung các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả
nước về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch,
quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, DN tham gia hoạt động quy
hoạch.
Phải sửa
đổi 43 luật
Hiện nay có khá nhiều quy định tại
dự thảo luật như phạm vi điều chỉnh, mối liên hệ giữa Luật Quy hoạch với các
luật liên quan, thẩm quyền phê duyệt, thẩm định quy hoạch… dẫn tới các cơ quan
chức năng băn khoăn, lo ngại. Theo điều 67 dự thảo luật, sẽ có tới 43 điều
khoản tại 43 luật, pháp lệnh có quy định về quy hoạch sẽ được sửa đổi, bãi bỏ.
Dự thảo cũng quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia và Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch
tỉnh...
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy
ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phần thuyết minh của dự thảo luật chỉ mới nêu
chung chung lý do sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này do mâu thuẫn, chồng
chéo và xung đột với nhau mà chưa có thuyết minh cụ thể cho từng nội dung sửa
đổi, vì thế cần làm rõ những nội dung này để việc sửa đổi thuyết phục hơn.
Thêm vào đó, việc tác động tới 43
luật, pháp lệnh của Luật Quy hoạch được xem là chưa từng có trong tiền lệ, vì
thế, nhiều ý kiến cho rằng cần hết sức cân nhắc vấn đề này. Theo bà Nguyễn Thị
Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), điều 67 của dự thảo
luật bãi bỏ khá nhiều điều khoản của các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài
nguyên môi trường, trong đó đáng chú ý là có một số luật vừa được thông qua và
có hiệu lực từ 1-7-2016 như Luật Khí tượng thủy văn, Luật TNMT biển… “Bộ TNMT
thấy rằng không thể xóa bỏ một khối lượng lớn các điều khoản trong các luật
chuyên ngành một cách cơ học như đã nêu ở điều 67, vì như vậy sẽ phá vỡ tính
thống nhất nội tại của bản thân các luật chuyên ngành, làm mất đi sự gắn kết
chặt chẽ, tạo ra những mảnh ghép rời rạc, khó thực hiện, không khả thi, sẽ ảnh
hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước. Điều này có thể gây ra những hệ
lụy nhất định, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang phức tạp, biến đổi
khó lường như hiện nay, do đó cần hết sức cân nhắc khi quy định như trong dự
thảo luật. Không thể tự nhiên bỏ đi một số điều khoản trong các quy định thống
nhất hiện nay”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Dự thảo luật vẫn bảo lưu quy định
Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, và Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh dù trước đó,
thảo luận vấn đề này, Thường vụ Quốc hội đã đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc
hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Điều này, theo
đại diện Bộ TNMT, là chưa phù hợp khi trước đó, Luật Đất đai quy định Quốc hội
có thẩm quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Như vậy, dự thảo
luật chưa thống nhất, đồng thời cũng chưa có những quy định cụ thể đối với quy
hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện mà hiện nay mới chỉ có kế hoạch sử dụng
đất. Như vậy, kế hoạch sử dụng đất được lập nhưng không có đủ căn cứ thì tính
khả thi sẽ không cao.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng
hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ông ủng hộ việc ban hành Luật Quy hoạch, đồng
thời ông nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia do Chính phủ lập nhưng phê duyệt
phải do Quốc hội, vì đây là văn kiện quan trọng hàng đầu về phát triển kinh tế,
do đó Quốc hội phải phê chuẩn những văn kiện này.
Đến thời điểm này chúng ta mới ra
Luật Quy hoạch là đã quá muộn, vì thế cần ban hành kịp thời và nếu có gì cần
điều chỉnh thì qua thực tế thực hiện luật chúng ta sẽ điều chỉnh. Nếu không ban
hành luật, cứ đợi có được những cái đã thực sự hoàn chỉnh thì không biết bao
giờ mới có luật để thi hành, mà không thi hành thì không biết lấy gì mà điều
chỉnh. Ông Liêm cũng chia sẻ.
Hoài Anh (Báo Hải
quan)