Theo thống kê không chính thức từ các sàn giao dịch nhà đất, thị trường đất nền ở vùng ven Sài Gòn như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ, quận 2, quận 9 tăng mạnh trong quý 3, 4 năm 2016 và quý 1 năm 2017. Mức tăng được cho là phổ biến từ 20-60%, thậm chí có nơi cao hơn.
Theo
chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn 2015-2016
và những tháng đầu năm 2017, bất động sản liền thổ, đặc biệt là đất nền
được xem như kênh đầu tư thời thượng. Hiệu suất sinh lời của phân khúc
này khá lý tưởng, đạt trung bình 15-20% mỗi năm, thậm chí cao hơn. Vòng
quay của dòng tiền đổ vào đất nền cũng nhanh hơn do thanh khoản tăng
cao.
Trên
thực tế, đất nền dễ đầu tư và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các
kênh tài chính khác: vàng, USD, chứng khoán, gửi ngân hàng. Cụ thể, vàng
và USD hiện nay không cho lợi nhuận cao, chứng khoán cần có kiến thức
và phải theo dõi thường xuyên, gửi ngân hàng lãi suất ngày càng thấp
dần. Do không có nhiều sự lựa chọn trong khi nhu cầu đầu tư quá lớn, các
dòng tiền nhàn rỗi đã đua nhau đổ vào săn đất. Dù thời gian qua đất nền
đã tăng giá mạnh và bị đánh giá là sốt ảo, nhưng trong cơn sốt đó, nhu
cầu đầu tư là có thật. Chính cơn khát săn tìm kênh đầu tư siêu lợi nhuận
đã thôi thúc người dân tìm đến đất nền, bất chấp giá ngày đắt.
"Mua đất làm của để dành là một hình thức tích lũy tài sản truyền thống của người Việt. Trong cơn sốt đất vùng ven tại TP HCM vừa qua, một số vị trí có thể đã bị đẩy lên giá trị ảo, nhưng nhu cầu tích lũy tài sản thúc đẩy các giao dịch thành công là thật. Chừng nào thị trường vẫn thiếu kênh đầu tư đáp ứng các nhu cầu tích lũy tài sản, tìm kênh trú ẩn an toàn và đầu tư sinh lời cao, thì chừng đó khó tránh khỏi kịch bản sốt đất.", ông Hiển cho biết thêm.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhu cầu nhà đất tại TP.HCM thời nào cũng luôn tăng mạnh do lượng người nhập cư ngày một cao vào thành phố sinh sống và làm việc. Tâm lý nhìn chung của người Việt làm hết đời phải có "mảnh đất cắm dùi", do vậy họ tích cóp từng ngày để mua được một lô đất dù nhỏ để cất nhà. Nhiều người cũng quan niệm rằng căn hộ chung cư nào cũng có thời hạn sử dụng, và giá trị sẽ giảm theo thời gian sử dụng, do vậy một khi có tiền người dân luôn muốn đầu tư vào đất nền.
Ông Châu cho biết thêm nếu nhìn vào bối cảnh thị trường nhà đất tại quận 9, quận Tân Phú, và huyện Bình Chánh lúc này, có thể thấy thị trường đất nền vẫn đang diễn ra nhộn nhịp. Thậm chí một số công ty đã đưa sẵn “biệt đội” nhân viên tại những khu vực đang là tâm điểm của cơn sốt đất như Lò Lu, Nguyễn Xiển, quận 9, cùng với những lời mời chào đặt cọc cho dự án mới sắp ra mắt.
“Thị trường đang chững lại để nghe ngóng thông tin. Rất khó để đưa ra dự báo chính xác nhưng cá nhân tôi cho rằng không loại trừ sẽ có những đợt sóng mới vào cuối năm. Giá tăng đến mức độ nào còn do thị trường, thông tin về quy hoạch, hạ tầng, siêu dự án và yếu tố điều chỉnh của chính sách. Về dài hạn, phân khúc này giá sẽ luôn tăng. Trong ngắn hạn thị trường sẽ chững lại để nghe ngóng thông tin”, chuyên gia BĐS độc lập Phan Công Chánh nhận định thêm.
Cùng quan điểm với ông Chánh, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land, ông Ngô Quang Phúc cũng cho rằng thị trường đất nền TP.HCM đang có sự điều chỉnh mang tính ổn định và tích cực hơn. Người mua thực đã có rất nhiều những thông tin chính thống để có thể tham khảo và quyết định. Do đó, việc tăng giá cục bộ tại những khu vực có giá trị bị đẩy giá lên đã dừng lại. Còn đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp tạo lập thì giá cũng sẽ ổn định tuy nhiên mức độ gia tăng giá sẽ phần lớn phụ thuộc vào sự tạo lập và chất lượng của dự án. Vì khi đầu tư, khách hàng nên xem xét lỹ về năng lực và uy tín của chủ đầu tư.
Cũng có lời khuyên cho nhà đầu tư chọn những sản phẩm tốt, ông Phúc cho rằng: "Hiện nay, tại TPHCM Khu Đông và khu Nam Sài Gòn được đánh giá là khu vực có xu hướng phát triển về hạ tầng tốt nhất, do vậy việc tăng giá BĐS trong thời gian qua là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi đầu tư khách hàng cần quan tâm đến pháp lý, quy hoạch, kết nối hạ tầng, lượng cung-cầu ... Nếu tất cả các yếu tố trên được đáp ứng thì việc tăng giá là thật. Còn nếu các yếu tố trên không đảm bảo việc tăng giá chỉ do tin đồn thì chắc chắn giá trị đấy không phải là thật", ông Phúc nói thêm.
Đứng về gốc độ là một nhà đầu tư cá nhân, doanh nhân Hoàng Khải - chủ tịch tập đoàn Khaisilk cũng từng chia sẻ, mặt bằng giá bất động sản sẽ còn tăng trong những năm tới và điều này là tốt cho nền kinh tế. Theo đó, quỹ đất sẽ hạn hẹp dần bởi sự phát triển của những dự án quy mô lớn trong cả nước. Giao thông liên tỉnh và trong nội thành TP.HCM đang được đầu tư phát triển theo chiều hướng hiện đại, đồng bộ cũng là ưu thế lớn nâng giá trị cho bất động sản.
Ngoài ra, sau đợt khủng hoảng trước, các chủ đầu tư đang biết cách huy động vốn từ người dân đúng nghĩa, bền vững, như cam kết ăn chia lợi nhuận tạo ra mặt bằng chung cho giá trị thặng dư được phát triển cũng là yếu tố khiến thị trường vững hơn. "Thế nên mặt bằng về giá bất động sản sẽ còn tăng trong những năm tới. Điều này đã từng xảy ra trong thời gian dài tại các thành phố lớn trên thế giới và cho đến nay giá trị đầu tư cũng như giá bât động sản vẫn không ngừng gia tăng.
Hơn nữa, không riêng giá đất tại TP.HCM tăng mà còn tăng ở các tỉnh, thành khác. "Giá đất tăng trong diện rộng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế phát triển tốt chứ không đáng lo. Cứ để thị trường tự động điều tiết thôi", ông Khải nhận định.
Theo Trí thức trẻ