BAN QUẢN LÝ KHU NAM VÀ CHUYỆN NHÀ DÂN MỌC TRÊN DỰ ÁN
Trong thời gian ban quản lý khu Nam giao
đất cho doanh nghiệp (DN) không có năng lực thực hiện dự án, hàng trăm nhà dân
“vô tư” mọc lên. Đến khi DN mới tiếp nhận thì không thể triển khai dự án…
Đất dự
án xuất hiện nhà dân
Tại dự
án thuộc lô số 3 – khu 9A+B do Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới
Nam TP.HCM (ban quản lý khu Nam) quản lý, hàng trăm nhà dân đã xuất hiện trên
đất dự án.
UBND
TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án khu Công viên Khoa học Trung tâm – Đô thị Nam
Thành phố tại lô số 9, nay là khu 9A+B do ban quản lý khu Nam quản lý vào năm
1999. Dự án dự kiến được xây dựng quy mô 120ha.
Ban
quản lý khu Nam có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Đầu tư và Phát
triển Đô Thị (Công ty Đô Thị, tiền thân của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và
Phát triển Đô thị - thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng hạ tầng khu công viên vào tháng
10/1999.
Tuy
nhiên, khi công ty đang triển khai dự án thì bất ngờ ban quản lý khu Nam chuyển
mục đích sử dụng và chia tách 120ha đất nói trên cho 9 DN vào đầu tư. Từ quỹ
đất được giao rộng lớn, Công ty Đô Thị không được xem xét quyền lợi và chỉ còn
vỏn vẹn 13ha.
Tiếp
đó, Công ty Đô Thị tiếp tục bị loại khỏi các nhà đầu tư tại khu 9A+B một cách
“khó hiểu” khi ban quản lý khu Nam có công văn cho Công ty Conic vào thay thế
vào tháng 4/2007. Thế nhưng từ khi được giao đất, Công ty Conic triển khai dự
án ì ạch và 7 năm sau thì đã có hàng trăm nhà dân kiên cố và bán kiên cố “vô
tư” mọc lên. Đất dự án bỗng chốc biến thành khu dân cư lộn xộn, nhếch nhác, nhà
cửa xây dựng không theo quy hoạch nào.
Tháng
7/2014, sau nhiều lần Công ty Đô Thị khiếu nại, UBND TP.HCM chỉ đạo ban quản lý
khu Nam thu hồi dự án của Công ty Conic và chuyển giao đất lại cho Công ty Đô
Thị. Qua khảo sát thực tế, Công ty Đô Thị mới phát hiện hàng trăm nhà dân đã
xây dựng kiên cố từ lúc nào.
Lãnh
đạo Công ty Đô Thị bức xúc cho rằng ban quản lý khu Nam là đơn vị quản lý khu
đất nhưng lại buông lỏng, để khu dân cư tự phát mọc lên gây khó khăn cho công
ty trong việc giải phóng mặt bằng.
Đến nay
Công ty Conic vẫn chưa bàn giao hồ sơ pháp lý và tài sản mà công ty đã đầu tư
hàng chục tỷ đồng, gây vướng mắc trong quá trình khiển khai dự án. Theo lãnh
đạo Công ty Đô Thị cho hay.
Đất
công bỗng thành đất tư?
Bên
cạnh sự xuất hiện của hàng trăm nhà dân trên đất dự án mà Công ty Đô Thị không
biết phải giải quyết như thế nào thì một DN khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Việt
Nam (Công ty Đầu tư Việt Nam) cũng phản ánh về tình trạng đất kênh rạch được
“hô biến” thành đất sở hữu cá nhân.
Được biết,
Công ty Đầu tư Việt Nam được giao 4,2ha tại Khu dân cư Phi Long 5 thuộc xã Bình
Hưng, huyện Bình Chánh. Khu dân cư này cũng nằm trong khu 9A+B do ban quản lý khu
Nam quản lý. Ngoài ra, Công ty Đầu tư Việt Nam còn được giao gần 1ha là đường,
mương rạch là đất do Nhà nước quản lý để đầu tư, xây dựng và kinh doanh khu nhà
ở. Đổi lại, Công ty này có trách nhiệm phải trả lại quỹ đất nền cho Thành phố.
Theo
đó, diện tích đất Công ty Đầu tư Việt Nam được giao thể hiện trong quyết định
thu hồi và giao đất cho công ty vào tháng 12/2002: “Nay thu hồi 40.252m2 đất
tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố và giao
cho Công ty Đầu tư Việt Nam sử dụng 49.798m2 đất (trong đó có
toàn bộ diện tích đất thu hồi trên và 9.546m2 đường, mương,
rạch trong khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý) để đầu tư xây dựng và kinh
doanh khu nhà ở”.
Thế
nhưng, cuối tháng 1/2013 ban quản lý khu Nam bất ngờ ra công văn “biến” phần
đất công nói trên là kênh rạch có diện tích gần 0,5ha cho một hộ dân. Sau đó,
ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ, đã ký Quyết định số
4086/QĐ-UBND ngày 29/7/2013 công nhận phần đất công này là sở hữu cá nhân.
Vấn đề
đất công đột nhiên “biến” thành đất tư cũng gây bất ngờ, bức xúc cho Công ty
Đầu tư Việt Nam trong việc triển khai dự án.
Ông Hồ
Trung Hiếu, Phó trưởng ban quản lý khu Nam khi trao đổi về tình trạng hàng trăm
nhà dân “vô tư” xây dựng trên đất dự án, cho biết trách nhiệm phát hiện vi phạm
trong xây dựng là của địa phương, trực tiếp ở đây là huyện Bình Chánh.
Giai
đoạn Công ty Conic được giao đất đã không thông báo về tình trạng người dân tự
ý xây dựng nhà cửa nên ban quản lý khu Nam cũng không nắm được, ông Hiếu cho
biết. Còn giải thích về chuyện “biến” đất công thành đất tư, ông Hiếu cho hay ban
quản lý khu Nam căn cứ đề xuất của xã, huyện và quyết định cuối cùng là của
UBND Thành phố (!?).
Điều
này cho thấy, chính cách quản lý dự án “có vấn đề” của ban quản lý khu Nam đã
khiến cho các DN, dự án rơi vào vòng quay rối mù, hệ quả trước mắt là dự án
chưa thấy đâu, đất dự án thì rơi vào tình trạng xây dựng lộn xộn dọc đại lộ
Nguyễn Văn Linh, đoạn qua huyện Bình Chánh.
Nhóm PV (Infonet)