DỰ ÁN “ĐẤT VÀNG” KHÔNG CÓ NGƯỜI MUA
Tp.HCM tổ chức bán đấu giá 28 lô “đất vàng” tại các quận huyện vào
năm 2015, song chỉ 4 lô được bán. Năm 2016, Thành phố tiếp tục bán đấu giá 23
lô còn lại, song tới thời điểm này, các doanh nghiệp địa ốc vẫn hững hờ đón
nhận thông tin. Thay vào đó, các dự án “chết” lại được săn tìm…
Bỏ quên “đất vàng”
Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường
Tp.HCM đã tổ chức bán đấu giá 28 khu “đất vàng” của Thành phố trong năm 2015 với
tổng diện tích 854.816,7 m2 nhưng chỉ đấu giá thành công 4 khu đất, với tổng
diện tích 9.508,9 m2, trong số đó có những doanh nghiệp trúng đấu giá, nhưng
tới nay dù đã quá hạn thanh toán vẫn chưa trả tiền trúng thầu. Ngoài ra, có 3
khu đất tại quận Gò Vấp, huyện Củ Chi với tổng diện tích 5.227,6m2, được Sở tổ
chức đấu giá, nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia.
Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Thạch cho
biết, những khu đất này sẽ được Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.HCM lập thủ tục
đấu giá lại vào năm 2016.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng xin bổ sung thêm 9
khu đất với tổng diện tích 42.237,8 m2 tại các quận Thủ Đức (3 khu), quận 3,
quận 1, quận 5, quận 7, huyện Bình Chánh (2 khu). Như vậy, trong năm 2016,
Tp.HCM sẽ tiếp tục bán đấu giá 23 khu đất tại các quận, huyện trong thành phố.
Bên cạnh đó, có những khu đất bán đấu giá nhiều năm, nhưng không có người mua,
cuối cùng Thành phố phải chuyển mục đích sử dụng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Himlam Land, ông Ngô Quang Phúc cho
rằng, lý do mà các doanh nghiệp hững hờ với việc đấu giá mua những lô “đất vàng”
này vì giá bán rất cao, doanh nghiệp không thể kham được. Mặt khác, việc sở hữu
những lô đất này chỉ có thời hạn 50 năm, điều này là rào cản đối với các doanh
nghiệp.
Thêm vào đó, theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư Tp.HCM, là
do đất đấu giá thường có giá trị lớn, đòi hỏi doanh nghiệp muốn mua phải có vốn
lớn, phương thức kinh doanh tốt. Đặc biệt, cơ chế đấu giá hiện nay không phù
hợp khi người bán không công khai sớm, chỉ khi đấu giá mới công khai. Đồng
thời, việc đấu giá hiện nay không cho các tổ chức và công ty nước ngoài tham
gia, trong khi đây lại là đơn vị có nguồn lực về tài chính.
Mua dự án “ chết lâm sàng”
Đầu năm 2016 toàn Thành phố còn 137 dự án trong tình trạng “hấp
hối”, chờ chuyển nhượng, thì tới thời điểm này đã có nhiều dự án được chuyển
nhượng. Đơn cử như Dự án khu nhà ở của CTCP Hải Nhân tại phường Phước Long B
(quận 9), được chấp thuận quy hoạch 1/500 năm 2006, nhưng sau nhiều năm được
phê duyệt và đã bán phần nhà liền kề, thì chủ đầu tư “án binh bất động”. Mới
đây, Công ty Địa ốc Hưng Thịnh đã mua lại dự án này để tiếp tục phát triển, Hiệp
hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết.
Những dự
án “chết lâm sàng” đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm mua, dù dự
án có cầm cố ngân hàng nhưng thủ tục pháp lý tốt thì đều có thể bán được. Dẫn
chứng cho điều này, vị Tổng Giám đốc (xin được giấu tên), cho biết, việc Dự án
Petroland tại quận 2 do CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí làm chủ đầu tư,
sau một thời gian dài xây dựng dở dang, tới đầu tháng 3/2016 đã được một chủ
đầu tư mua lại Blok A và B để hoàn thiện và bán hơn 100 căn hộ còn lại, đại
diện một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Tp.HCM cho hay.
Vị Tổng Giám đốc này nói “Quỹ đất Thành phố hạn hẹp, lợi thế của
các dự án chết là không phải đền bù giải tỏa, tính pháp lý rõ ràng, vị trí đẹp.
Đây là lợi thế để các dự án chào bán, nhưng cũng còn phải phụ thuộc vào năng
lực của doanh nghiệp muốn mua có tốt hay không, định hướng phát triển trên dòng
sản phẩm nào để chọn mua”.
Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Trần Trọng Tuấn cho biết, trước
tình hình nhiều dự án “chết lâm sàng” như hiện nay, UBND Tp.HCM cũng như Sở Xây
dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất đưa ra phương án là sẽ hỗ trợ
pháp lý cho các doanh nghiệp mua lại dự án chào bán, đồng thời, có cơ chế cho
doanh nghiệp điều chỉnh lại ranh giới đất dự án đối với phần đã được bồi
thường.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc Thành phố bán đấu
giá các dự án đất vàng không thực sự hợp lý với các doanh nghiệp, khiến các
doanh nghiệp hững hờ. Đặc biệt việc bán đấu giá này đã gây nhiễu loạn giá trị
thực của các khu đất, ví dụ, khu đất 23 đường Lê Duẩn, quận 1, giá khởi điểm
chỉ có hơn 500 tỷ đồng, khi đấu giá đã tăng lên hơn 2 lần.
Ông Châu nói “Tập đoàn Tân Hoàn Minh đấu giá thắng dự án này và
đặt cọc 83 tỷ đồng, sau đó tập đoàn này trả lại dự án và xin rút lại tiền đặt
cọc và bị Thành phố thu tiền đặt cọc”.
Trước đây có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc tham gia đấu giá dự án
đất vàng, nhưng khi họ đòi hỏi những vấn đề pháp lý thì lại không được Thành
phố giải đáp. Đơn cử như dự án tại 164 - Đồng Khởi, khi doanh nghiệp hỏi về
việc khi nào có được mặt bằng trống để thực hiện dự án, thì không nhận được câu
trả lời, ông Châu cũng cho hay.
Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực, nhưng vẫn tham
gia đấu giá và trúng với giá cao, chỉ là để quảng bá doanh nghiệp trên báo chí,
sau đó thì không nộp tiền trúng đấu giá.
(Theo Đầu tư)